Thứ hai, 4/12/2023, 06:29 (GMT+7)
Vợ chồng trẻ về quê trồng giống hoa ‘khổng lồ’
Kon TumTrong nhà kính tại khu công nghệ cao Măng Đen, vợ chồng Mỹ Duyên nhân giống được những loại thược dược ngoại hoa to như chiếc mũ, chiếc nón.
Lê Thị Mỹ Duyên, 28 tuổi, kể gần chục năm trước, lần đầu được tiếp xúc với những bông hồng Ecuador lạ mắt, các loại địa lan, mẫu đơn hay thược dược bông to “khổng lồ”, cô đã chia sẻ ý tưởng nhập khẩu hoa ngoại về trồng ở Việt Nam với bạn trai Nguyễn Phúc Nguyên.
Những đợt phong tỏa vì dịch Covid-19 khiến cả hai ngột ngạt với cuộc sống thành phố nên bàn nhau về Kon Tum lập nghiệp. Gia đình hai bên ban đầu không ủng hộ. Đôi trẻ mất một năm thuyết phục bố mẹ. Họ thậm chí còn làm bản kế hoạch về hướng phát triển tương lai, chia sẻ về kỹ thuật nông nghiệp và nhà vườn, để kêu gọi bố mẹ đầu tư.
Ông Nguyễn Phúc Phận (bố Nguyên) lo các con nổi hứng nhất thời, nhưng sau đó bị thuyết phục bởi bản kế hoạch nên hỗ trợ một phần kinh phí. “Làm gì thì cũng phải cho bài bản”, người cha, vốn là một giáo viên, dặn dò.
Đầu năm 2020, Duyên và Nguyên làm hai nhà kính 3.000 m2, chi phí khoảng một tỷ đồng tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plong. Nguyên vốn học ngành tài chính còn Duyên học khí tượng – thủy văn. Dù cả hai không có chuyên môn về nông nghiệp nhưng họ phân chia nhiệm vụ, chàng sẽ chuyên về kỹ thuật trồng trọt, còn nàng lo chăm sóc và chia sẻ với khách hàng về cách trồng hoa.
Ban đầu trang trại của họ nhập hoa hồng ngoại về chăm sóc, định cung cấp hồng chậu ra thị trường. Nhưng khởi nghiệp đúng dịp Covid-19 nên việc giao thương đình trệ. Họ chuyển hướng sang thược dược ngoại, bởi loài này dễ trồng, nhân giống, chiều lòng khách hàng vì vẻ rực rỡ. Đầu năm 2022, Duyên làm việc với các nhà vườn ở Hà Lan để nhập khẩu củ thược dược. Nhưng do phải nhập qua nước thứ ba và tắc biên nên mất hơn hai tháng củ mới về. Gần 300 chùm củ bị thối quá nửa.
Hai người ngậm ngùi mang số củ còn lại đi ươm. Lứa đầu tiên nhiều cây lên chưa đạt chuẩn do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp. Họ dành cả năm trồng đi trồng lại để thuần hóa dần theo khí hậu Việt Nam.
Đó là quãng thời gian khó khăn. Vào mùa hè, nhà kính trở thành lò ủ nhiệt, với nhiệt độ lên hơn 40 độ C vào trưa, cây cối khô héo. Họ phải túc trực ngoài vườn bổ sung thêm nước, thêm chất dinh dưỡng, mở bớt cửa cho không khí lưu thông. “Cứ làm được mươi phút mình lại phải ra khe hở hít chút khí trời”, Duyên kể.
Mùa đông, Măng Đen khắc nghiệt bởi mưa, gió mạnh, lạnh giá kéo dài. Cả hai phải đi làm từ sáng sớm với nhiều lớp áo ấm, chiều tối về nhà với quần áo ướt đẫm.
Nhưng thời tiết chưa phải là thứ đáng sợ nhất. Duyên thường xuyên hét lên mỗi lúc bị vắt cắn bất ngờ, chân đầm đìa máu. Nhưng cô sợ hơn là bị ruồi vàng cắn sẽ gây sưng to, đau nhức liên tục 7 ngày và để lại sẹo vài tháng.
Trong thời gian thử nghiệm nên trang trại không có thu nhập. Vợ chồng Duyên phải cắt bỏ toàn bộ các nhu cầu cá nhân, chỉ chi tiêu tiết kiệm cho ăn uống dành tiền cho đất, phân, cây giống. “Điều chúng mình biết ơn nhất là bố mẹ hai bên tâm lý nên chỉ âm thầm quan sát chứ không hỏi han, hối thúc tình hình công việc”, Nguyên nói.
Đến mùa hoa thứ ba năm nay, trên 3.000 m2 trồng được hơn 2.000 gốc thược dược. Cô chủ vườn vẫn nhớ một ngày được thông báo giống thược dược Emory Paul đã nở. Duyên chạy vào vườn và đã hét lên sung sướng khi nhìn thấy những bông hoa màu hồng tím nở căng, đường kính tới 32 cm gần bằng chiếc nón. “Hai mùa đầu, hoa nở không chuẩn dáng, bông nhỏ. Chúng mình phải đổi phân, nước, mỗi ngày điều chỉnh một chút, tài liệu nước ngoài chỉ mang tính tham khảo vì không áp dụng được vào khí hậu Việt Nam”, Duyên chia sẻ.
Trong vườn cũng có nhiều giống khổng lồ khác, như Zorro có đường kính tới 30 cm, màu đỏ đậm, cánh xếp rất dày. Bông Yarra Falls màu đỏ tím với những chấm trắng. Grand Prix có cánh màu vàng chanh điểm xuyến trắng ngà to như vành mũ và rất sai hoa. Hay Fairway Spur màu cam, bông to tới trên 25 cm.
“Để chúng đạt kích thước và kiểu dáng chuẩn, mình đều mất vài mùa thử nghiệm và chăm sóc cho ổn định giống”, Duyên cho biết.
Vườn hiện có khoảng 60 giống thược dược ngoại, trong đó 14 giống khổng lồ, với đường kính từ 17 đến 32 cm, gấp từ hai đến bốn lần hoa nội. Lứa này thu được số lượng củ dồi dào, họ quyết định cung cấp giống ra thị trường.
Ngày mong chờ nhất cũng tới. Đúng 20h một ngày giữa tháng 11, website của họ công bố 42 giống hoa kèm giá bán. Lượng truy cập tăng vọt khiến trang bị tê liệt phải khắc phục đến gần nửa đêm mới mở lại.
Đó là một đêm không ngủ với cặp vợ chồng trẻ và cả một số khách hàng. Để săn được những loại thược dược khổng lồ, một số người phải thức tới 2h sáng chuyển khoản và chờ đợi chốt đơn.
Song song bán giống, đôi trẻ đang làm đất chuẩn bị cho một lứa hoa mới vào Tết này. Họ dự định bên cạnh cung cấp củ giống, sẽ tìm nguồn tiêu thụ hoa và mở cửa đón khách tham quan. Mỗi năm vườn sẽ cập nhật thêm giống hoa mới từ khắp nơi trên thế giới về Việt Nam, để mỗi gia đình có thể trồng ngay các giống hoa lạ trong vườn nhà.
Trên hành trình bỏ phố về quê, tình yêu của Duyên và Nguyên càng thêm trưởng thành và sâu đậm. Sau 6 năm yêu và ba năm khởi nghiệp, đôi uyên ương đã tổ chức hôn lễ vào cuối tháng 10 vừa qua.
Trong ngày trọng đại, họ trang trí chiếc cổng bằng những bông hoa sắc đỏ, cam như Snow N Tell, Zorro khổng lồ. Mỗi bàn ăn là một giỏ thược dược đủ sắc màu, kiểu dáng. Đặc biệt nhất là bó hoa cầm tay của Duyên kết hợp những bông cô thích nhất, là Ryecroft Jan trắng tinh khôi tròn như quả bóng kết hợp với Black jack đỏ đen ma mị.
“Ai cũng khen hoa đẹp, nhiều loại khiến mọi người bối rối không nghĩ là thược dược. Chúng mình thấy hạnh phúc vô cùng khi được trang trí những bông hoa tự tay trồng được trong ngày đẹp nhất cuộc đời”, đôi uyên ương nói.
Phan Dương