‘Sát thủ vô hình’ Nga trở thành nỗi đau đầu với Ukraine
Thiết bị tác chiến điện tử Nga đang làm giảm hiệu quả của vũ khí phương Tây mà Ukraine nhận được, khiến Kiev cố gắng tấn công các tổ hợp và bắt kịp về công nghệ.
Vào đầu tháng 11, video quay từ máy bay không người lái (UAV) xuất hiện trên mạng cho thấy một cuộc tấn công đã làm nổ tung ba ăng-ten trên nóc một khu chung cư. Người chỉ huy UAV Ukraine tuyên bố đã phá hủy hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 của Nga ở mặt trận phía đông gần Donetsk.
Cuộc tấn công cho thấy Kiev đang gấp rút tìm cách phá hủy công nghệ của Moskva. Ukraine cũng đang chạy đua để bắt kịp Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử.
Tác chiến điện tử là thuật ngữ dùng để chỉ việc sử dụng phương tiện hoặc chiến thuật liên quan phổ điện từ. Loại hình tác chiến này được các bên tham chiến trong xung đột Nga – Ukraine sử dụng, chủ yếu thông qua thiết bị gây nhiễu điện tử làm gián đoạn hoạt động của hệ thống dẫn đường vệ tinh, khiến các loại vũ khí dẫn đường như rocket trượt mục tiêu.
Chiến dịch phản công sắp bước sang tháng thứ 6 của Ukraine diễn ra chậm chạp và ghi nhận nhiều thiệt hại. Điều này cho thấy Nga không chỉ thiết lập phòng tuyến vật lý mà còn có hệ thống phòng thủ điện tử đáng gờm, buộc binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến phải tìm cách thích nghi.
Pavlo Petrychenko, chỉ huy đơn vị vận hành UAV cỡ nhỏ thuộc lữ đoàn bộ binh cơ giới số 59 của Ukraine, người đã thực hiện cuộc tấn công đầu tháng 11, cho biết phá hủy các tổ hợp tác chiến điện tử của Nga là điều rất quan trọng nếu Ukraine muốn giành lại thêm lãnh thổ.
“Khi chúng tôi nhận vũ khí nước ngoài, họ bắt đầu sử dụng tổ hợp tác chiến điện tử để đối phó”, ông Petrychenko nói. “Vì cả pháo phản lực HIMARS và đạn pháo dẫn đường M982 Excalibur 155 mm đều định hướng bằng vệ tinh, Nga sử dụng tác chiến điện tử để chặn các đòn tấn công của chúng tôi”.
Lực lượng tác chiến điện tử Nga và khí tài của họ trở thành vấn đề đối với Ukraine. Các hệ thống gây nhiễu của Nga biến lợi thế của kho vũ khí thông minh với khả năng dẫn đường mà phương Tây cung cấp cho Ukraine thành điểm yếu.
Tên lửa và rocket dẫn đường, trong đó có loại phóng từ HIMARS, về bản chất dễ bị tác động bởi hệ thống tác chiến điện tử hơn so với vũ khí không dẫn đường, do chúng sử dụng tín hiệu định vị như GPS để bắn trúng mục tiêu.
Tổ hợp Pole-21, được Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Tác chiến điện tử Nga phát triển từ năm 2016, có khả năng gây nhiễu tín hiệu GPS nhằm bảo vệ các vị trí khỏi UAV cỡ nhỏ hoặc tên lửa đang lao tới. Pole-21 chỉ là một trong số nhiều tổ hợp tác chiến điện tử mà Nga đang vận hành hoặc phát triển.
Gây nhiễu hoặc giả mạo tín hiệu GPS (kỹ thuật đánh lừa UAV, tên lửa đối phương khiến chúng cho rằng mình đang ở vị trí khác), cũng như làm gián đoạn hoạt động của radar, sóng vô tuyến và liên lạc của thiết bị di động, là các hình thức tác chiến điện tử mà Nga đang sử dụng.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hồi tháng 9 cho biết sản lượng các loại thiết bị quân sự chủ chốt, trong đó có các tổ hợp tác chiến, trong 8 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022. Các chuyên gia và quan chức Ukraine thừa nhận Nga đã tích hợp đầy đủ lực lượng tác chiến điện tử vào quân đội nước này.
Đại tướng Valery Zaluzhny, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, nhận định Nga đang sản xuất loạt hệ thống mà ông gọi là “tổ hợp tác chiến điện tử tại chiến hào”.
Zaluzhny cho rằng lính Nga sở hữu rất nhiều thiết bị loại này. “Ngay cả khi chịu tổn thất về thiết bị, Nga vẫn duy trì ưu thế tác chiến điện tử đáng kể”.
Đề cập đến đạn pháo dẫn đường Excalibur do Mỹ chế tạo, tướng Zaluzhny thừa nhận loại đạn này “bị giảm đáng kể năng lực do hệ thống nhắm mục tiêu sử dụng GPS của chúng rất nhạy cảm với ảnh hưởng từ các tổ hợp tác chiến điện tử của đối phương”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thiếu tướng Charlie Dietz tuyên bố “dù đã phát hiện ảnh hưởng từ hoạt động gây nhiễu của Nga đối với một số hệ thống do Mỹ cung cấp, trong đó có pháo phản lực HIMARS, điều đó không làm cho các tổ hợp này mất hiệu quả”.
Tướng Dietz cho biết Lầu Năm Góc đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu lỗ hổng nói trên, trong đó có “dành công sức đáng kể để thiết kế lại và cập nhật các hệ thống”. Tướng Dietz nói các bản cập nhập “đang được tung ra nhanh nhất có thể”.
Ukraine tuyên bố có thể tăng sản sản lượng UAV nội địa lên gấp 100 trăm lần trong năm nay. Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov kỳ vọng nước này có thể đạt thành công tương tự trong lĩnh vực tác chiến điện tử, đặc biệt khi UAV thường là nạn nhân của hình thức tác chiến này.
“Chúng tôi không chỉ mở rộng quy mô sản xuất UAV mà còn đối với thiết bị điện tử nói chung, cũng như cách tiếp cận đối với tác chiến điện tử”, ông Fedorov nói. “Toàn bộ học thuyết về sử dụng công nghệ này của chúng tôi đang thay đổi”.
Bộ trưởng Fedorov cho rằng không cần triển khai thiết bị tác chiến điện tử đến mọi ngóc ngách trên chiến trường, thay vào đó là thiết kế các hệ thống có thể điều khiển từ xa để chỉ nhắm vào thiết bị của đối phương. Ông Fedorov cũng cảnh báo nguy cơ hệ thống tác chiến điện tử gây ra tình trạng “quân ta bắn quân mình”.
Trong báo cáo công bố tháng 11/2022, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết Nga đối mặt với vấn đề lớn là các tổ hợp tác chiến điện tử của họ gây nhiễu chính hệ thống liên lạc của đơn vị bạn. Điều này buộc lực lượng Nga phải thu hẹp quy mô tác chiến điện tử.
Ông Fedorov cho rằng điều quan trọng nhất đối với Ukraine hiện nay là sở hữu công nghệ lập trình để UAV nhắm mục tiêu vào tổ hợp tác chiến điện tử của đối phương trên quy mô lớn. Truyền thông phương Tây cho rằng đây là yếu tố thay đổi cục diện đối với những binh sĩ vận hành UAV của Ukraine như Petrychenko.
Theo Petrychenko, hy vọng của binh sĩ Ukraine là video về những vụ tấn công thiết bị tác chiến điện tử của Nga được chia sẻ rộng rãi. Rất nhiều binh sĩ Ukraine sử dụng mạng xã hội, do đó bất cứ video nào như vậy đều đóng vai trò như cuốn sổ tay giúp họ tăng kỹ năng xác định ăng-ten của các tổ hợp tác chiến điện tử mà Nga triển khai trên chiến trường.
Kari Bingen, giám đốc Dự án An ninh Hàng không Vũ trụ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận định những gì đang diễn ra trong xung đột Nga – Ukraine “sẽ định hình chiến trường hiện đại”.
“Chiến trường hiện đại là nơi các năng lực và chiến thuật tác chiến điện tử được tích hợp vào hoạt động của lực lượng thông thường”, bà Bingen nói.
Tướng Dietz cho biết Mỹ “đang tích cực đánh giá và điều chỉnh chiến lược của chúng tôi” trong tác chiến điện tử, cũng như coi đây là “khía cạnh cơ bản của giao tranh quân sự hiện tại và tương lai”.
Bộ trưởng Fedorov nói Ukraine đang đầu tư trực tiếp vào tác chiến điện tử với ưu tiên sản xuất trong nước, đồng thời cho biết nước này cần phương Tây hỗ trợ về trang bị và chuyên môn. “Phương Tây có tất cả công nghệ mà chúng tôi cần. Câu hỏi quan trọng là làm thế nào để sử dụng chúng”, ông Fedorov nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)